Edit Content

BS Lê Vũ Tân

Ths. BS Lê Vũ Tân tốt nghiệp bs Nội Trú Ngoại Niệu tại ĐH Y Dược TPHCM năm 2013. Ông hiện công tác tại khoa Nam Học bv Bình Dân TPHCM. Năm 2018, ông tu nghiệp Nam Khoa tại Đại học Y Khoa Tulane, Mỹ cùng giáo sư Wayne Hellstrom.

Thông Tin Liên Hệ

SUY SINH DỤC

  • Home
  • -
  • Tin Y tế
  • -
  • SUY SINH DỤC
SUY SINH DỤC
  1. Suy sinh dục ở nam giới (Male hypogonadism) là gì?

Testosterone là hóc môn sinh dục nam được sản xuất chủ yếu bởi tinh hoàn. Testosterone đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển và duy trì nhiều đặc điểm thể chất của nam giới như ham muốn tình dục, sản xuất tinh trùng, khối lượng cơ bắp – sức mạnh, phân bổ lượng chất béo và khối lượng xương.

Suy sinh dục ở nam giới là tình trạng mà tinh hoàn không sản xuất đủ testosterone. Suy sinh dục có tác động tiêu cực đến chức năng nhiều cơ quan trong cơ thể và chất lượng cuộc sống. 

Khi nồng độ testosterone thấp, nam giới có thể bị giảm ham muốn tình dục, giảm khối lượng cơ bắp, rối loạn cương dương và mệt mỏi.

Hình 1: Vai trò của Testosterone 

  1. Có mấy loại suy sinh dục?

Theo hướng dẫn điều trị của Hội Niệu khoa Châu Âu (EAU), hiện có hai thể suy sinh dục:

  • Suy sinh dục nguyên phát: bản thân tinh hoàn không có khả năng tiết testosterone
  • Suy sinh dục thứ phát: có rối loạn trong hoạt động của vùng dưới đồi hoặc tuyến yên. Cả hai cơ quan này đều đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát các tuyến sinh dục.
  1. Chẩn đoán suy sinh dục như thế nào?

Suy sinh dục ở nam giới được chẩn đoán dựa trên:

3.1 Các triệu chứng của suy sinh dục:

Suy sinh dục có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Các triệu chứng sẽ khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi của người bệnh khi được chẩn đoán suy sinh dục. 

Các triệu chứng thường gặp ở nam giới trưởng thành bao gồm:

  • Mệt mỏi, khó tập trung, khó ngủ
  • Thay đổi tâm trạng thất thường, dễ bốc hỏa
  • Giảm ham muốn tình dục 
  • Rối loạn cương dương, giảm cương cứng vào buổi sáng
  • Giảm khối lượng cơ bắp và giảm mật độ xương
  • Vú to lên
  • Rụng lông
  • Vô sinh

3.2 Các xét nghiệm máu

Nếu người bệnh có triệu chứng suy sinh dục, bác sĩ sẽ lấy máu để kiểm tra nồng độ testosterone của họ. Máu nên được rút vào buổi sáng trước khi ăn sáng (khoảng 8 giờ sáng). Xét nghiệm này nên được thực hiện ít nhất hai lần riêng biệt, cách nhau 4 – 6 tuần.

Để phân biệt giữa các dạng nguyên phát và thứ phát của suy sinh dục, bác sĩ có thể kiểm tra nồng độ của các hormone khác như FSH, LH. Các xét nghiệm này cũng nên được đo vào buổi sáng và thực hiện hai lần.

Nếu cả hai lần xét nghiệm đều xác nhận người bệnh có testosterone thấp, bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân là do tinh hoàn (suy sinh dục nguyên phát) hay vùng hạ đồi – tuyến yên (suy sinh dục thứ phát).

  1. Suy sinh dục được điều trị ra sao?

4.1 Thay đổi lối sống:

Giảm cân, điều chỉnh chế độ ăn uống, ngừng hút thuốc và tăng cường tập thể dục có thể cải thiện chất lượng cuộc sống của bạn với chứng suy sinh dục. Những thay đổi này cũng có thể giúp tăng sức mạnh cơ bắp và cải thiện kiểm soát bệnh tiểu đường và tình dục.

4.2 Điều trị với liệu pháp thay thế testosterone (bổ sung thêm testosterone)

Là phương pháp điều trị chính cho cả hai loại suy sinh dục nguyên phát và thứ phát. 

Chỉ định chính cho điều trị testosterone:

  • Dậy thì muộn
  • Hội chứng Klinefelter có kèm suy sinh dục
  • Rối loạn chức năng tình dục và testosterone thấp, không đáp ứng với thuốc điều trị rối loạn cương dương.
  • Loãng xương kèm suy sinh dục
  • Suy tuyến yên

Chống chỉ định với điều trị bằng testosterone:

  • Ung thư tuyến tiền liệt tiến triển hoặc di căn
  • Những nam giới mong muốn có con
  • Hematocrit cao > 54%
  • Suy tim nặng (Độ 4 theo Hiệp hội Tim mạch New York)

Mục tiêu của việc thay thế testosterone là cải thiện chất lượng cuộc sống, tăng cảm giác hạnh phúc, cải thiện chức năng tình dục, sức mạnh cơ bắp và mật độ khoáng xương.

Suy sinh dục nguyên phát: Điều trị thay thế testosterone nhằm mục đích khôi phục nồng độ testosterone về mức bình thường.

Suy sinh dục thứ phát: Các dạng hormon tuyến yên có thể được thay thế. Những hormone này có thể kích thích tiết testosterone tại tinh hoàn giúp phát triển bộ phận sinh dục ở bé trai. tăng sản xuất tinh trùng và khôi phục khả năng sinh sản ở nam giới.

4.3 Các nguy cơ có thể có khi điều trị bằng testosterone

Ngoài các tác dụng phụ, thay thế hormone mang một số rủi ro liên quan đến thay đổi tự nhiên về mức độ hormone. Thay thế testosterone có thể gây ra nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt, vú to, vô sinh và huyết khối tĩnh mạch.

  1. Các chế phẩm Testosterone hiện có tại thị trường Việt Nam?

Andriol (testosterone undecanoate) 40mg: đường uống

Nebido (testosterone undecanoate) 1000mg: đường tiêm bắp

Androgel (testosterone gel) 50mg: thoa trên vai, bụng buổi sáng

Bác sĩ sẽ lựa chọn chế phẩm nào tuỳ thuộc vào từng cơ địa cụ thể và nồng độ testosterone trong máu của người bệnh.

  1. Làm sao chung sống với suy sinh dục?

Đối với hầu hết người lớn bị suy sinh dục, tình trạng này là suốt đời và việc điều trị sẽ kéo dài. 

Mục tiêu điều trị là cải thiện chất lượng cuộc sống, chức năng tình dục và sức mạnh cơ bắp, xương. 

Thay thế hormone kết hợp với giảm cân, chế độ ăn uống lành mạnh, ngừng hút thuốc và tăng cường tập thể dục có thể giúp ích trong tình trạng bệnh lý này.

  1. Theo dõi diễn tiến bệnh:

Theo dõi tái khám thường xuyên trong suốt quá trình điều trị mỗi 3 tháng.

Tái khám định kì để kiểm tra mức độ đáp ứng điều trị cũng như các tác dụng phụ có thể có của liệu pháp hormone. 

Theo dõi bao gồm: xét nghiệm máu, kiểm tra tuyến tiền liệt, chức năng hệ tim mạch và đo mật độ xương.

Nếu điều trị hiệu quả, các triệu chứng suy sinh dục của bệnh nhân sẽ giảm dần. Ví dụ, ham muốn tình dục có thể cải thiện trước, sau đó tâm trạng cải thiện và cuối cùng là chức năng cương dương có thể hồi phục.

Cập nhật 2020
Theo Hướng dẫn điều trị của Hội Niệu khoa Hoa Kỳ (AUA),
Hội Niệu khoa Châu Âu (EAU) và Hội Y Học Sinh Sản Hoa Kỳ (ASRM)

Contact Me on Zalo