Ngành của mình đôi khi phải đứng trước những trường hợp phải “cắt trứng” (tinh hoàn) của bệnh nhân. Các trường hợp cắt bỏ do ung thư thì đã đành. Mình cùng các bs đồng nghiệp lúc nào cũng cảm thấy tiếc khi phải cắt các tinh hoàn bệnh lý mà nếu người bệnh điều trị đúng đắn theo phác đồ ban đầu thì chắc ko đến nỗi. Hai bệnh lý hay gặp và là nguyên nhân mất trứng của bệnh nhân: xoắn dây tinh (ở các bé trước hay xung quanh tuổi dậy thì) và viêm tinh hoàn diễn tiến áp xe (lứa tuổi trung niên). Câu chuyện dưới đây là nguyên nhân mất trứng do áp xe tinh hoàn.
Bệnh nhân nam, sống ở tỉnh, 50 tuổi, khoảng 3 tuần trước có đau ở tinh hoàn và sốt. Bệnh nhân đi khám ở bs gần nhà và cho thuốc uống 3 ngày. Sau đó bệnh nhân không tái khám vì thấy bớt đau, vài ngày tiếp theo thì đau và sốt lại. Lần này bệnh nhân có nhập viện tỉnh điều trị 2 tuần nhưng ko giảm, tinh hoàn bên trái ngày càng to và đau nhiều hơn nên được chuyển lên bệnh viện Bình Dân, khoa nam học.
Chúng tôi khám và siêu âm thì thấy tinh hoàn đã viêm mủ toàn bộ. Mủ còn lan ra đến toàn bộ da bìu bên trái. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn.
Mình quyết định cắt bỏ tinh hoàn và khống chế cuống máu nuôi ở trên bẹn của bệnh nhân để phòng áp xe tồn lưu sau đó. Sau khi cắt và cột cuống phía bẹn, mình xẻ toàn bộ da bìu bên trái, bóc tách cẩn thận để lấy trọn phần da và tinh hoàn áp xe mà ko để chảy mủ ra phẫu trường. Đặt tinh hoàn lên bàn thì thấy do viêm mủ mà tinh hoàn và thừng tinh to hơn rất nhiều so với bình thường. Lấy dao xẻ dọc khối này ra thì thấy có nhiều mủ như chocolate, mình cho cấy mủ xem vi khuẩn gì rồi gửi toàn bộ cho giải phẫu bệnh lý. Sáng nay vào thăm bệnh thì thấy vết mổ diễn tiến tốt. Hi vọng ổn!
Anh em hay người thân chú ý nhé, nếu có dấu hiệu sưng đau tinh hoàn thì nên đến khám sớm và tuân thủ phác đồ điều trị. Chủ quan quá thì khả năng bị mất trứng đó.